Trang chủ / Góc sinh viên / Thầy giáo mồ côi Trường đại học Nguyễn Tất Thành và những hộp cơm… “biết nói” dành cho bác sĩ, F0

Thầy giáo mồ côi Trường đại học Nguyễn Tất Thành và những hộp cơm… “biết nói” dành cho bác sĩ, F0

admin / 8:02 am 30/09/2021

“Hôm nay canh trứng nấu cà/Ăn xong một bát chết bà cô-vi”; “Cảm ơn đội ngũ lương y/Kéo bao sinh mạng từ cô-vi về”; “Cơm ngon hơn nhiều người yêu cũ”… là dòng chữ trên những hộp cơm “Saigonthuong”.

“Cơm chữ” là “vắc xin tinh thần”

Đó là vài trong hàng trăm câu thơ, lời nhắn, thông điệp được viết tay nắn nót trên hộp cơm mà nhiều F0, y bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến số 7, TPHCM nhận được trong những ngày qua.

Những câu thơ lời nhắn được sáng tạo từ ca dao tục ngữ cho đến ngôn ngữ phong cách “teen”… được viết trên hộp cơm.

Ý tưởng của những hộp cơm “biết nói năng” này là nhiếp ảnh Phạm Phúc Lợi, giảng viên khoa Du lịch và Việt Nam học, ĐH Nguyễn Tất Thành. Anh tham gia vào nhóm “Bếp yêu thương”, mỗi ngày nấu mỗi nấu khoảng 300 – 400 suất cơm gửi tặng F0, y bác sĩ tại bệnh viện dã chiến.

Anh Lợi kể, lúc đầu, mỗi hộp cơm bếp gửi đi đều có kèm lời chúc in sẵn động viên đến mọi người với thông điệp “Sài Gòn thương”. Nhóm đã nhận về nhiều phản hồi tích cực.

Giây phút đó, anh Lợi nhận ra, đâu chỉ là miếng cơm, khúc cá…, điều mỗi người cần nhất lúc này là chính là sự động viên tinh thần, là nụ cười, là sự lạc quan, nhất là những người đang trực tiếp chống chọi với dịch bệnh.

Anh Lợi trải lòng, nghiệm từ bản thân từng trải qua mất mát lớn nhất của đời người là mất cha mất mẹ, là đứa con mồ côi, anh nhận thấy, chính sự lạc quan mới là thứ giúp bản thân vượt qua các biến cố trong cuộc sống. Với bất cứ ai,  nhất là những người đang ở tuyến đầu, vắc xin tinh thần càng quan trọng.

Anh liền nảy ra ý tưởng “cơm chữ”, tranh thủ giờ nghỉ trưa, tự tay viết những thông điệp vui nhộn, yêu thương lên hộp cơm. “Ngoài “nêm nếm” đồ ăn, mình “nêm” thêm chút lạc quan gửi đến người nhận” – vị giảng viên đại học chia sẻ.

Sau đó, nhóm nhận được nhiều tin nhắn tin từ các F0, y bác sĩ chia sẻ sự bất ngờ, ấm lòng khi cầm trên tay hộp cơm “biết nói chuyện”. Đó như là sợi dây kết nối “trong này” với “ngoài kia”.

Ngày đầu anh chỉ viết vài chục hộp rồi tăng dần lên, lượng sức đến đâu làm tới đó…

Với tinh thần trước nhất phải vui, những câu nhắn nhủ, thông điệp của anh Lợi rất hài hước, bá đạo, bất ngờ… Khi đọc, mọi người ai cũng có thể bật cười sảng khoái nhưng vẫn cảm nhận được sự gần gũi, tình cảm, sâu sắc..

Khi anh Lợi chia sẻ ý tưởng, rất nhiều người hưởng ứng và còn góp sức bằng cách gửi thêm “thơ” đến cho nhóm. “Cơm chữ” càng có thêm nhiều phong cách từ lãng mạn, thi vị đến nhí nhảnh, cá tính…

Những yêu thương phía sau gian bếp 

Anh Phạm Phúc Lợi cho biết, “Bếp yêu thương” được một số giảng viên đại học Nguyễn Tất Thành thành lập hơn hai tháng nay. Ban đầu, thầy cô hùn nhau nấu ăn cho sinh viên gặp khó khăn vì dịch, sau đó, bếp mở rộng để đưa suất ăn đến với người nghèo, người vô gia cư.

Khi nhóm này được chăm lo khá ổn thỏa, mấy tuần nay, bếp chuyển hướng sang “góp chút sức” đến với các y bác sĩ, F0 ở bệnh viện dã chiến.

Để tăng cường đội ngũ cho bếp, anh Lợi “lôi kéo” người thân, em út cùng tham gia, tăng quân số lên 10 người.

Vẻ ngoài cả đội nhí nhảnh, vui nhộn là vậy nhưng anh Lợi tiết lộ “hậu trường cũng… lắm đau thương”.

Mọi người đều là dân tay ngang, không ai quen với chuyện bếp núc, mỗi ngày chuẩn bị hàng trăm suất ăn từ đầu vào, thực đơn, chế biến, đóng gói, chuyển đi… đảm bảo chất lượng, dinh dưỡng là chuyện không hề đơn giản, có khi cũng tranh luận chí chóe.

Ngoài việc ở bếp, mỗi người vẫn phải duy trì công việc, giảng dạy online như bình thường. Ở bếp có cảnh, họ phải thường xuyên phải rón rén, nhắc nhau đi nhẹ nói khẽ… để người khác làm việc.

Chưa kể, bếp hoạt động với mô hình khép kín, các thành viên tham gia ăn ở ngay tại trường, phải chấp nhận xa gia đình.

Anh Lợi rất cảm phục thầy cô, nhiều người hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng họ vẫn chọn ở đây để làm một điều gì đó. Có người đã xa nhà, xa con hơn hai tháng nay.

Anh nói: “Những thông điệp trên hộp cơm không chỉ tri ân lực lượng tuyến đầu mà còn là sự trân trọng, cảm ơn những người sau gian bếp”.

Tham gia bếp, người mẫu tự do Vương Gia Hân (20 tuổi) cho biết, đây là lần đầu tiên cuộc sống của cô quần quật trong bếp với thịt cá, rau củ.

“Được cùng các chị làm việc, tham gia vào công việc ý nghĩa, tôi thấy mình có thêm nhiều năng lượng tích cực. Đây là quãng thời gian đánh dấu sự thay đổi trong suy nghĩ, trải nghiệm mới mẻ của mình về cuộc sống”, Gia Hân bộc bạch.

Tác giả “cơm chữ” Phạm Phúc Lợi hy vọng những phần cơm “biết nói” sẽ được các bếp ăn tiếp tục nhân rộng, để ngoài trao cơm, còn gửi đi cả những yêu thương, sự lạc quan, tích cực đến cho cộng đồng.

Theo báo Dân Trí 

(Ảnh: Kiengcan)

 

Tags:
1900 2039